“Cầu nối ” giữa Đảng với dân
Người có uy tín được Đảng ta xác định là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “cầu nối” quan trọng để gắn kết ý Đảng - lòng dân, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở cơ sở.
Là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trung Lý (Mường Lát), ông Sùng A Páo, dân tộc Mông đã phát huy được vai trò người có uy tín trong vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với trách nhiệm của mình, ông Páo đã dành thời gian hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người dân, gần dân, cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Từ đó, không để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc... Từ thực tế công tác và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân, ông Páo đã hướng dẫn cách chăn nuôi trâu bò cho các hộ nghèo. Qua 5 năm phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo như gia đình ông Giàng A Phử, ở bản Hộc đã nuôi được 26 con trâu, 18 con bò, mỗi năm xuất bán gần 100 triệu đồng...
Hay như ông Lê Đình Thắm, dân tộc Thổ, trưởng ban công tác mặt trận tại khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được ví như sợi dây nối giữa ý Đảng với lòng dân. Ông Thắm không chỉ giúp bà con nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn góp phần quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của dân tộc mình. Ông Thắm cho biết: "Với vai trò là cầu nối trung gian giữa chính quyền với Nhân dân, là thành viên của tổ hòa giải khu dân cư, tôi đã tích cực hưởng ứng và đi đầu trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát các hạng mục đầu tư công cộng. Mặt khác, bản thân tôi cũng chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của người dân trong khu phố để kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời giải đáp thỏa đáng. Ngoài ra, trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, ông Thắm đã cùng cấp ủy, chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến 450m2 đất và cây cối, hoa màu, tài sản trên đất để mở đường giao thông; vận động Nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng để xây mới nhà văn hóa khu phố, tổ chức cho người dân trong khu phố cải tạo vườn tạp, vườn hộ, xây dựng 5 mô hình vườn mẫu, chỉnh trang nhà cửa, vận động xây 120 hố rác 3 ngăn để xử lý rác thải tại hộ gia đình...
Ông Sùng A Páo và ông Lê Đình Thắm là 2 trong số 1.281 người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số, sinh sống tại 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn (thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có vùng đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn tỉnh. Đây là những người đã thể hiện rõ nét vai trò trách nhiệm của người có uy tín trong việc tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị từ cơ sở, thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng các chi bộ, các ngành, MTTQ và đoàn thể cơ sở, tích cực đóng góp ý kiến nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, người có uy tín đã phát huy vai trò “cầu nối”, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của đồng bào đến với cấp ủy, chính quyền, nhất là các ý kiến thiết thực trong quá trình thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều người có uy tín là già làng, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận và các đoàn thể, tổ hòa giải, tổ an ninh xã hội đều là thành viên, hội viên mẫu mực trong các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Họ tích cực vận động dòng họ và đồng bào tham gia các tổ chức đoàn thể, động viên con, cháu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng; phát huy dân chủ, thực hiện quy chế tự quản, đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương. Người có uy tín đã cùng với ban thanh tra Nhân dân, ban công tác mặt trận thực hiện tốt việc giám sát ở cộng đồng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín đã góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; mô hình “Tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới”; chấp hành nghiêm túc quy chế biên giới... Nhiều người đã tích cực vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc; không tàng trữ, buôn bán sử dụng chất ma túy; phòng, chống hiệu quả các tệ nạn xã hội; tham gia hòa giải, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh ở thôn, bản, khu phố.
NGUỒN: BÁO THANH HÓA
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289